Đái tháo đường (hay tiểu đường) type 2 là một rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi lượng đường huyết tăng cao do đề kháng với insulin. Tình trạng này nếu kéo dài mà không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ để lại nhiều hệ quả khôn lường (1).
Để vấn đề trên không xảy ra, bản thân người bệnh cần ý thức trang bị cho mình những thông tin hữu ích về bệnh. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến những sai lầm mà người bệnh đái tháo đường type 2 gặp phải, những biến chứng thường thấy, cũng như gợi ý về cách phòng ngừa.
Như đã đề cập trước đó, sự gia tăng nồng độ glucose máu trong thời gian dài sẽ gây nên những tổn thương trên nhiều cơ quan khác nhau, điển hình như:
1. Biến chứng tim mạch
Có thể nói đây là một trong những biến chứng tiểu đường phổ biến nhất. Theo các chuyên gia, cơ chế dẫn đến biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường type 2 là do đường huyết tăng cao khiến lớp nội mạc (nơi tiếp xúc giữa thành mạch và các thành phần của máu) bị tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho mảng xơ vữa hình thành, giảm lưu lượng máu đến nuôi các cơ quan trong cơ thể (2).
Bên cạnh đó, lớp nội mạc mạch máu bị ảnh hưởng cũng gia tăng sự kết dính của các tế bào tiểu cầu, lâu dần hình thành nên cục máu đông gây tình trạng cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ cứng động mạch… (2)
Một số yếu tố nguy cơ làm nặng thêm biến chứng tim mạch mà người bệnh tiểu đường nên chú ý bao gồm (3):
- Béo phì, đặc biệt là béo bụng
- Tuổi cao (từ 60 trở lên)
- Nghiện thuốc lá, thuốc lào
- Có lối sống tĩnh tại
- Tiền sử gia đình có người mất vì nhồi máu cơ tim
2. Biến chứng ở thận
Biến chứng ở thận cũng là vấn đề đáng lo ngại, bởi theo thống kê, gần 1/5 số ca bệnh tiểu đường cần được điều trị các bệnh liên quan đến thận (4).
Về mặt lý thuyết, thận là cơ quan đảm nhiệm chức năng lọc máu, thải trừ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Ở người bệnh tiểu đường, đường huyết tăng cao làm cho hệ thống mao mạch nhỏ bao quanh cầu thận bị tổn thương. Lâu dần, cầu thận hoạt động kém hiệu quả và làm cho protein thoát ra ngoài cùng nước tiểu (4).
Giai đoạn đầu khi lượng protein trong nước tiểu còn thấp, nếu kịp thời phát hiện và can thiệp thì chức năng thận vẫn sẽ đảm bảo. Nếu để muộn, chức năng thận sẽ bị suy giảm hoặc thậm chí mất hẳn (tình trạng này gọi là suy thận giai đoạn cuối). Người bệnh lúc này buộc phải chạy thận thường xuyên để đào thải bớt độc tố ra ngoài (4).
Trong trường hợp bệnh thận tiến triển, bạn có thể dễ bắt gặp các dấu hiệu như (4):
- Sưng phù mắt cá chân, bàn chân, bàn tay
- Xuất hiện máu trong nước tiểu
- Cảm thấy mệt mỏi
3. Biến chứng về thị giác
Nồng độ đường huyết cao vượt ngưỡng an toàn dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có cả các biến chứng về mắt. Theo đó, hàm lượng glucose trong máu cao làm tăng độ nhớt lẫn áp suất của máu. Điều này tác động tiêu cực đến hệ thống vi mạch tại nhãn cầu dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực hoặc tệ hơn nữa là mù lòa vĩnh viễn (5).
Ngoài ra, việc môi trường trong cơ thể có nhiều đường cũng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tăng sinh và phát triển mạnh mẽ. Nếu người bệnh không chú ý vệ sinh mắt đúng cách sẽ dễ bị nhiễm khuẩn và gặp phải vấn đề viêm, đau mắt (5).
Trên thực tế, các biến chứng của bệnh tiểu đường ở mắt thường thấy nhất bao gồm: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc… (5)
4. Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh tiểu đường được chia thành hai nhóm chính bao gồm: biến chứng thần kinh ngoại biên và biến chứng thần kinh tự chủ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nồng độ glucose máu tăng cao, mất kiểm soát trong thời gian dài làm tổn thương phần vỏ bao thần kinh, từ đó làm suy giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh (6).
Không những thế, đường huyết tăng cao còn ảnh hưởng đến các vi mạch bao quanh thần kinh. Hệ quả dễ thấy nhất là dòng máu giàu dưỡng chất và oxy đến nuôi dưỡng các dây thần kinh bị hạn chế, lâu dần các sợi dây thần kinh cũng bị suy mòn, giảm chức năng (6).
Với trường hợp biến chứng thần kinh ngoại biên, người bệnh thường có cảm giác (6):
- Tê bì, mất cảm giác ở các chi. Tình trạng này khá thường gặp và khiến người bệnh không thể phát hiện các vết thương ở chân và tay
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với bình thường
- Châm chích, bỏng rát
- Đau buốt (trở nặng hơn về đêm)
Riêng ở biến chứng thần kinh tự chủ (điều khiển nhiều cơ quan khác nhau), các biểu hiện của bệnh sẽ thay đổi tùy theo cơ quan bị tổn thương, chẳng hạn như (6):
- Hệ tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy, nôn mửa…
- Hệ tiết niệu, sinh dục: rối loạn cương dương, tiểu tiện không kiểm soát, nhiễm trùng đường tiểu…
- Da: giảm khả năng tiết mồ hôi
5. Biến chứng nhiễm trùng
Hầu hết người bệnh đái tháo đường rất dễ gặp biến chứng nhiễm trùng do nồng độ glucose máu cao. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Do đó, dù chỉ là vết thương nhỏ trên da nhưng tổn thương cũng rất lâu phục hồi (7).
Hơn nữa, với bệnh đái tháo đường ngoài sự rối loạn chuyển hóa đường, người bệnh còn bị rối loạn lipid máu khiến cho các mạch máu bị xơ cứng, thu hẹp dẫn đến tình trạng máu không thể đến các vị trí xa tim. Do vậy, khi gặp tổn thương bất kỳ, các tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch không đủ để chống lại tác nhân gây bệnh nên nguy cơ mắc các vấn đề nhiễm trùng là rất cao (7).
Một số dạng nhiễm trùng mà người bệnh dễ gặp phải bao gồm: nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng da – mô mềm, nhiễm trùng răng miệng… (7)
Những biến chứng vừa liệt kê thuộc nhóm biến chứng mạn tính, thường xuất hiện muộn sau một khoảng thời gian dài mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường type 2 còn có thể mắc phải những biến chứng cấp tính như: hạ đường huyết (dùng thuốc quá liều, kiêng khem, tập luyện quá sức…), hôn mê, nhiễm toan ceton (8).
Những sai lầm trong cách chăm sóc “góp phần” dẫn đến những biến chứng của bệnh tiểu đường
Dưới đây là những sai lầm phổ biến ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết mà người bệnh tiểu đường type 2 thường gặp phải:
1. Bỏ bữa
Sai lầm trong cách chăm sóc người bệnh tiểu đường. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng nếu nhịn ăn thì lượng đường trong máu không thể gia tăng. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn sai lầm vì việc nhịn ăn hay bỏ bữa không phải là thói quen tốt ngay cả với người bình thường. Hành động này còn có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải, thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng (9).
Với người mắc bệnh tiểu đường type 2, nếu bỏ bữa sẽ gặp phải một trong 2 tình huống là tăng hoặc hạ đường huyết quá mức. Cụ thể như sau (9):
- Trường hợp tăng đường huyết quá mức: Khi nhịn ăn, cơ thể sẽ buộc phải tìm kiếm một nguồn năng lượng khác thay cho thực phẩm, điển hình đó chính là glucose dự trữ ở gan. Lúc này, gan sẽ giải phóng đường mà không quan tâm đến việc đã có một lượng glucose đáng kể tồn tại trong máu và điều này sẽ dẫn đến tăng đường huyết quá mức.
- Người bị đái tháo đường có sử dụng thuốc nhưng bỏ bữa có thể gặp phải vấn đề mất cân bằng lượng đường trong máu mà hệ quả dễ thấy nhất là hạ đường huyết quá mức.
- Trường hợp bỏ bữa thường xuyên, người bệnh dễ rơi vào trạng thái thèm ăn, ăn nhiều hơn vào các bữa sau khiến cân nặng tăng vọt không có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.
Do đó, bạn nên có nhiều bữa ăn trong ngày, không ăn quá nhiều trong một bữa. Nếu không có thời gian cho việc dùng bữa, bạn hãy uống sữa để “chữa cháy”. Một số loại sữa công thức dành cho người tiểu đường hiện nay không chỉ cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, mà còn hỗ trợ cho việc điều trị. Có loại thậm chí còn mang lại hiệu quả kép, nghĩa là vừa kích thích cơ thể sản sinh insulin, vừa cải thiện độ nhạy với hormone này.
Khi chọn mua sữa, bạn nên ưu tiên chọn sữa được chứng minh lâm sàng có chỉ số đường huyết ≤ 55. Đây là chỉ số nằm trong phạm vi được Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) phê duyệt.
2. Kiểm tra đường huyết không đúng cách
Một trong những nguyên nhân dễ khiến người bệnh gặp phải biến chứng của bệnh tiểu đường là không thực hiện đúng các thao tác đo đường huyết. Điều này rất dễ khiến cho kết quả thu được bị sai lệch ảnh hưởng đến việc dùng thuốc cũng như chế độ sinh hoạt, luyện tập của bệnh nhân (10).
Hãy chắc chắn rằng bạn đã gắn que thử khớp với đầu máy đo và đảm bảo mã code trên hộp que thử đang dùng trùng khớp với mã máy thì kết quả mới chính xác. Trước khi tiến hành lấy máu đo, bạn cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc cồn 70 độ, sau đó lau khô bằng khăn sạch để loại bỏ vi khuẩn và các tác nhân có thể gây nhiễu kết quả (10).
Bạn nên đo luân phiên các đầu ngón tay chứ không tập trung chủ yếu trên cùng một ngón. Lưu ý tránh tình trạng nắn bóp mạnh đầu ngón tay để lấy máu hoặc lấy máu khi đang cảm thấy đau nhức ở ngón tay (10).
3. Dinh dưỡng trong các bữa ăn chưa thực sự hợp lý
Bạn nên biết rằng, vấn đề dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình điều trị. Bởi lẽ, mọi thực phẩm bạn tiêu thụ đều có thể làm thay đổi mức đường huyết. Chính vì điều này mà nhiều người mang tâm lý lo sợ, đâm ra kiêng khem quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe (11).
Thậm chí có người còn cắt giảm tinh bột, kiêng ăn đường, trái cây hoặc không sử dụng chất béo vì sợ tăng cân mà quên mất rằng bữa ăn của người bị đái tháo đường vẫn phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố bao gồm: đường, đạm, béo, chất xơ. Để an tâm, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các phương pháp nhằm ước lượng được khẩu phần ăn, cũng như cách lựa chọn thực phẩm sao cho phù hợp với thể trạng của mình (11).
Trái ngược với tình huống trên, một số người bệnh vì thiếu hiểu biết nên cho rằng nếu ăn nhiều sau đó dùng thuốc để hạ đường huyết vẫn có thể đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, hành động này lại gây nhiều bất lợi cho việc kiểm soát đường huyết. Chưa kể đến việc ăn uống vô độ như vậy còn dễ gây béo phì, làm tăngtình trạng kháng insulin và gia tăng rủi ro mắc những biến chứng bệnh tiểu đường hơn nữa (11).
4. Lười vận động do sợ hạ đường huyết
Lười vận động dễ dẫn đến biến chứng bệnh tiểu đường
Việc lười vận động và chế độ ăn quá nhiều năng lượng là hai trong những yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường type 2. Trong khi đó, nếu người bệnh có kế hoạch tập luyện thích hợp sẽ giúp duy trì cân nặng ổn định, đồng thời cải thiện hiệu quả sử dụng insulin của cơ thể (12).
Đặc biệt hơn nữa là tập thể dục sẽ giúp cơ thể trở nên dẻo dai và mang lại tinh thần sảng khoái. Điều này rất có ích trong quá trình điều trị bệnh (12).
Với người mới bắt đầu, bạn nên chọn những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như đi bộ, yoga. Cần chú ý không vận động đột ngột vì rất dễ khiến bạn có nguy cơ hạ đường huyết quá mức. Lúc này, bạn nên ngừng luyện tập và áp dụng các biện pháp sơ cứu tạm thời như ngồi nghỉ mệt, dùng một ít bánh kẹo ngọt (12).
Trường hợp được chỉ định sử dụng insulin và bạn có tập thể dục, hãy thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng thích hợp. Nên nhớ nếu bạn là người ít vận động trong một thời gian dài thì sẽ rất khó để dự đoán nhu cầu insulin (10).
5. Những sai lầm trong việc dùng thuốc
Không dùng thuốc, tự ý ngưng thuốc hoặc gia tăng liều lượng… là những sai lầm nghiêm trọng dễ dẫn đến các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Theo đó, nhiều người thường dựa trên cảm nhận của bản thân, thấy cơ thể không trải qua bất kỳ điều gì khác biệt nên đã thôi không dùng thuốc. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu bạn là người mắc bệnh tiểu đường type 2 thể nhẹ và đã được phát hiện sớm trong giai đoạn đầu. Đa số trường hợp còn lại buộc phải dùng thuốc để kiểm soát đường huyết (13).
Mặt khác, cũng không ít người vì nôn nóng muốn điều trị dứt điểm bệnh nên đã tự ý phối hợp nhiều loại thuốc. Hành động này không những không làm hạ đường huyết mà còn có thể gây tương tác thuốc hoặc khiến người bệnh rơi vào trạng thái hạ đường huyết quá mức (13).
Có trường hợp đang điều trị thì người bệnh đột nhiên tự ý ngưng thuốc vì thấy đường huyết đã ổn định không có sự dao động. Thế nhưng, khi ngừng thuốc, đường huyết sẽ dễ tăng cao trở lại và kéo theo những biến chứng khôn lường (13).
Để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn vẫn nên tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Đồng thời kết hợp cùng việc luyện tập và dinh dưỡng để việc kiểm soát đường huyết đạt hiệu quả tối ưu.
6. Không khám sức khỏe định kỳ
Bệnh tiểu đường type 2 có thể gây ra nhiều biến chứng trên nhiều cơ quan khác nhau như mắt, thận, răng miệng… Do đó, người bệnh cần phải khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu của biến chứng, từ đó có hướng điều trị thích hợp (10).